Ba tháng đầu năm 2021, người chọn hưởng bảo hiểm xã hội một lần tăng 20,5% so với cùng kỳ năm trước.
Số liệu Bảo hiểm xã hội Việt Nam công bố sáng 16/4, cả nước có hơn 226.500 người hưởng bảo hiểm xã hội một lần; tăng hơn 46.400 người so với cùng kỳ năm 2020. Nguyên nhân chủ yếu là đại dịch kéo dài hơn một năm, nhiều lao động nghỉ việc, mất việc. Một số tỉnh có số người hưởng BHXH một lần tăng cao như Quảng Nam, Đà Nẵng...
Đại diện Bảo hiểm xã hội Việt Nam đánh giá "đây là tình trạng đáng lo ngại"; người lao động tự đánh mất quyền lợi và việc họ rời khỏi hệ thống bảo hiểm xã hội còn khiến mạng lưới an sinh bị ảnh hưởng.
Người lao động làm thủ tục tại Bảo hiểm xã hội TP HCM, tháng 3/2021. Ảnh:Lê Tuyết.
Ông Đỗ Ngọc Thọ, Trưởng ban Thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội, nhận định không ít người lao động vẫn giữ quan niệm "trẻ cậy cha, già cậy con", chưa có thói quen đóng BHXH khi trẻ để về già có lương hưu không cần phụ thuộc con cháu.
Theo ông, người lao động vì giải quyết nhu cầu trước mắt (trang trải cuộc sống bị ảnh hưởng do dịch) sẽ chịu nhiều thiệt thòi về lâu dài. Đó là không có lương hưu, không được cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí khi về già. Theo quy định, người hưởng lương hưu sẽ được cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí, tuy nhiên, hiện khoảng 60% người già Việt Nam không có lương hưu.
"Nếu bị bệnh, họ có nguy cơ không chi trả nổi chi phí đi viện, đối mặt kiệt quệ kinh tế, trở thành gánh nặng đối với gia đình và xã hội", ông Thọ lưu ý.
Đại diện BHXH Việt Nam nói tiền đóng vào quỹ Bảo hiểm xã hội là "của để dành" của người lao động. Họ có thể bảo lưu thời gian đóng khi nghỉ việc, chọn đóng tiếp khi tìm được việc làm mới trong doanh nghiệp, hoặc đóng theo hình thức tự nguyện. Nhà nước hiện hỗ trợ kinh phí các mức 10% - 25% - 30% theo chuẩn hộ nghèo mới nếu đóng BHXH tự nguyện.
Khi đã nhận tiền bảo hiểm xã hội một lần, nếu sau này tham gia tiếp thì người lao động không được cộng nối thời gian đã đóng trước đó. Dẫn đến lao động không đủ thời gian đóng khi đã đủ tuổi nhận lương hưu hoặc mức nhận không cao. Thân nhân của họ cũng không được hưởng chế độ tử tuất nếu người lao động qua đời.
Từ năm 2016 đến 2020, lao động nghỉ việc chọn hưởng BHXH một lần tăng trung bình 9% mỗi năm. 97% trong số này là lao động sau một năm nghỉ việc không đóng BHXH. Tình trạng xảy ra chủ yếu thuộc nhóm lao động trẻ, từ 26 đến 29 tuổi, ngoài khu vực nhà nước. Tỷ lệ này ở nữ giới là 55,6% so với 44,4% ở nam giới.